4 tháng 4, 2014

Bí quyết kết nối siêu hạng trong kinh doanh

Khả năng kết nối thành công có thể là một trong những thế mạnh lớn nhất trong kinh doanh. Nó cho phép bạn tìm thấy những cơ hội khó tin trong khi những người khác chỉ đứng ngoài lề.
Vậy để trở thành một người kết nối siêu thành công thì cần những gì? Dưới đây là 7 trong những thói quen quan trọng mà bạn cần tạo dựng:

1. Đặt những câu hỏi sâu sắc
Trước khi tham dự các sự kiện kết nối, hãy lấy tên những người sẽ tham dự và tìm kiếm thông tin về họ trên các mạng xã hội như LinkedIn để đoán trước những chủ đề họ có thể quan tâm. Với những người đã ở trong mạng lưới của bạn, đừng cho rằng mình biết tất cả mọi điều họ định nói. Hãy tìm ra những việc họ đang xoay sở hoặc đang gặp khó khăn. Sự quan tâm tới từng chi tiết sẽ còn đưa bạn đi xa, tới các cuộc gặp mặt ăn trưa hoặc ăn tối tiếp theo.
2. Thêm vào giá trị
Một trong những hoạt động kết giao có sức mạnh nhất là cung cấp ngay giá trị cho một mối liên hệ mới. Điều này có nghĩa là giờ khắc bạn nhận ra cách giúp ai đó, thì hãy hành động ngay. Ví dụ, nếu bạn biết ai đó trong mạng lưới của mình có thể giúp giải quyết vấn đề của người mới quen, hãy ngừng những việc bạn đang làm và giới thiệu hai người đó với nhau.
3. Tìm hiểu “câu chuyện” của họ
Hãy yêu cầu các doanh nhân kể về con đường sự nghiệp của họ. Những câu chuyện này có thể nói với bạn nhiều về cách kinh doanh của người đó. Bạn càng hiểu nhiều về tâm tính của đối tác kết nối, bạn càng bổ sung thêm và chắt lọc được nhiều giá trị hơn cho mối quan hệ của bạn.
Ví dụ, một số doanh nhân tự hào vì làm việc 16 giờ/ngày và làm bất cứ việc gì cần thiết, trong khi những người khác chỉ tập trung vào chiến lược và chờ đợi thời cơ tốt mở ra. Đây là những manh mối không chỉ giúp bạn thấy được những gì mà mọi người coi trọng mà còn thấy trước việc hợp tác với họ sẽ thế nào.
4. Chia sẻ những sự việc đáng nhớ
Khi ai đó hỏi: “Bạn làm nghề gì?”, bạn đừng đưa ra một bài diễn văn ngắn về công ty và nghề nghiệp của mình. Hãy đề cập tới điều gì đó có tính chất cá nhân hơn, có thể miêu tả rõ hơn về con người thực của bạn. Có thể là bạn có niềm đam mê chơi một loại nhạc cụ nào đó hoặc say mê sưu tập cổ vật. Đó cũng là những việc bạn làm, vì vậy hãy coi đó là một điểm thú vị để chia sẻ với họ. Những thông tin cá nhân như thế có thể làm nhẹ bớt tâm trạng và khiến mọi người tham gia trò chuyện.
5. Tạo ra một danh sách
Bạn thường làm gì sau khi tham dự một sự kiện hoặc bữa ăn kết nối mối quan hệ? Nếu câu trả lời của bạn là “Tôi về nhà” thì có thể là bạn đã để lỡ các cơ hội. Hãy viết ra những chủ đề quan trọng mà bạn sẽ nói trong sự kiện. Thói quen này có thể giúp ngăn các cơ hội tuột mất và cho bạn một số thông tin tham khảo trong các cuộc trò chuyện vào lần gặp gỡ tiếp theo của bạn. Bạn còn có thể được tiếng là người giỏi mọi thứ.
6. Đưa ra và giữ những lời hứa nhỏ
Dù lời hứa của bạn có nhỏ tới đâu - chẳng hạn như gửi email hoặc gọi điện lại - thì việc thực hiện những lời hứa đó phản ánh tính cách của bạn. Với việc giữ đúng lời hứa của mình, bạn đã tạo được ấn tượng là người đáng tin cậy, đó chính là điều mà mọi người kết nối giỏi sở hữu.
7. Trả ơn những mối quan hệ “mạnh” của bạn
Hãy giữ danh sách top 5-10 đối tác kết nối của bạn và làm điều gì đó mỗi tuần để thêm giá trị cho cuộc sống hoặc công việc kinh doanh của một người trong danh sách đó. Bạn có thể gửi cho họ một cuốn sách hoặc bố trí một bữa ăn trưa để giới thiệu họ với một trong số các mối liên hệ khác của bạn. Thói quen này có thể giúp bạn chủ động giữ liên hệ với các mối quan hệ mạnh nhất của mình. Cũng giống như tậpthể dục hay đầu tư, những người thành công nhất là những người nhất quán trong các hành động của họ.
Nguồn: hoclamgiau.vn

28 tháng 2, 2014

Hải Phòng: Tàu hàng 3.500 tấn bị đâm chìm trên biển

Ảnh minh họa

Trong khi chờ xin lệnh vào luồng Cảng Hải Phòng, tàu chở hàng 3.500 tấn bị một tàu khác đâu thủng mạn và chìm dưới biển. 

Khoảng 7h30 phút ngày 27/2, tại phao số 0 khu vực Nam Triệu, luồng vào Cảng Hải Phòng, tàu Phú Sơn thuộc Công ty TNHH Thương Mại vận tải biển Phú Sơn (huyện Thủy nguyên, Hải Phòng) đang đậu chờ xin lệnh vào Cảng Hải Phòng thì bị tàu Hải Nghĩa 02 đâm thủng mạn tàu và bị chìm sau khoảng 30 phút. Tàu Nghĩa Hải 02 chỉ bị móp đầu.

Khi xảy ra vụ tai nạn, trên tàu Phú Sơn có 10 thủy thủ, tàu Nghĩa Hải 02 đã kịp thời ứng cứu và đưa các thủy thủ này sang tàu Nghĩa Hải 02 an toàn.
Theo ông Phạm Văn Mán – Giám đốc Công ty TNHH thương mại vận tải biển Phú Sơn, tàu Phú Sơn có trọng tải 3.500 tấn, toàn bộ hàng hóa trên tàu khoảng 3.000 tấn, gồm 2.200 tấn sắt và 700 tấn thép vận chuyển từ Đồng Nai ra Hải Phòng.
Thông tin từ Cảng vụ Hải Phòng cho biết, sau khi xảy ra vụ va chạm giữa hai tàu, Cảng vụ Hải Phòng đã yêu cầu đơn vị Bảo đảm an toàn hàng hải phải thả phao neo cảnh báo, phát thông báo cảnh giới để những phương tiện qua lại khu vực này biết, tránh đi vào khu vực gây mất an toàn.
Hiện, Cảng vụ Hải Phòng đã tạm giữ tàu Nghĩa Hải 02, đồng thời đang phối hợp cùng các cơ quan hữu quan tiến hành điều tra, xác minh nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn và lên phương án tiến hành trục vớt tàu Phú Sơn.
Nguồn: VTC news
Thông báo số: 42/TBHH-TCTBĐATHHMB ngày 27/02/2014
"HPG-18-2014
 
Vùng biển: Hải Phòng

Tên luồng: Hải Phòng


Căn cứ văn bản số 219/CVHHHP-AT&TTHH ngày 27/02/2014 của Cảng vụ hàng hải Hải Phòng về việc xác định vị trí tàu Phú Sơn 26 chìm, thả phao báo hiệu, ra thông báo hàng hải.
Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải, Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc thông báo: Tại khu vực ngoài phao số 0 trên đoạn Lạch Huyện - luồng Hải Phòng tồn tại chướng ngại vật nguy hiểm là tàu Phú Sơn 26 bị đắm. Tọa độ gần đúng của vị trí tàu đắm:
                             Vĩ độ:      200 40.387’N ;
                             Kinh độ: 1060 59.260’E .
Vị trí tàu đắm nằm cách phao số 0 đoạn luồng Lạch Huyện khoảng 1,8km theo hướng Tây Nam.

 

HƯỚNG DẪN HÀNG HẢI
Các phương tiện thủy hoạt động trên vùng biển Hải Phòng chú ý tăng cường cảnh giới và đi tránh xa khu vực tàu đắm nói trên."
Nguồn: Vishipel

27 tháng 2, 2014

Năm 2013 Bảo hiểm Bảo Việt vẫn duy trì vị trí dẫn đầu thị trường, doanh thu ước đạt 6.577 tỷ đồng.

Bảo Việt ước lãi gần 1.250 tỷ đồng

Dù lợi nhuận hợp nhất năm 2013 giảm so với năm trước, Bảo Việt vẫn đảm bảo mức cổ tức 15% đã được đại hội cổ đông thông qua. 

Thông tin trên được Tập đoàn Bảo Việt (Mã CK: BVH) công bố tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2014. Theo đó, doanh thu hợp nhất năm 2013 của toàn tập đoàn ước đạt 16.638 tỷ đồng, đạt kế hoạch đã đề ra và tăng 4% so với năm 2012.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất ước đạt 1.244 tỷ đồng. Nếu so sánh với số liệu trên báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2012, lợi nhuận của Bảo Việt giảm 13%. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của công ty mẹ vẫn giữ được đà tăng trưởng trong năm qua, khi lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.104 tỷ đồng, tăng 2% so với năm trước.
Với mức lãi trên, Bảo Việt dự kiến sẽ trả cổ tức năm 2013 theo đúng mục tiêu đã đề ra là 15%. Sang năm 2014, tập đoàn đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất tăng 7%. Đối với công ty mẹ, mục tiêu doanh thu tăng khoảng 5%, lợi nhuận sau thuế khoảng 2% và tỷ lệ cổ tức 13-15%.

Năm 2013, các lĩnh vực như kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, đầu tư chứng khoán, quản lý quỹ của Bảo Việt đều khả quan hơn năm trước. Cụ thể, doanh thu Bảo Việt Nhân thọ ước đạt gần 8.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2012 và vượt 4% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế ước đạt 529 tỷ đồng. Thị phần kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ cũng đạt khoảng 23% và duy trì vị trí dẫn đầu thị trường, doanh thu ước đạt 6.577 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực quản lý quỹ, Bảo Việt hiện quản lý tổng tài sản khoảng 1 tỷ USD tại ngày 31/12/2013, tăng 12% so với năm 2012. Lợi nhuận của Công ty Quản lý Quỹ Bảo Việt ước đạt 12 tỷ đồng, vượt 13% kế hoạch năm. Tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt, lợi nhuận sau thuế năm qua ước 86 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước.

Với lĩnh vực ngân hàng, lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng Bảo Việt năm 2013 ước đạt 105 tỷ đồng, vượt gần 50% kế hoạch năm và tăng 15% so với năm 2012. Tính đến ngày 31/12/2013, tổng tài sản của ngân hàng tăng 27% so với năm trước, huy động vốn tăng 37% và tín dụng tăng trưởng gần 14% so với 2012. Tỷ lệ nợ xấu cũng giảm xuống còn hơn 3%.
"Nguồn: http://kinhdoanh.vnexpress.net"

Nhà xưởng của Công ty Len Hà Đông – Hà Nội được bảo hiểm tại Bảo hiểm Bảo Việt

Vào khoảng 11 giờ ngày 19/02/2014, ngọn lửa xuất phát từ kho của Công ty T&H (là đơn vị kinh doanh văn phòng phẩm), lửa bùng cháy dữ dội và nhanh chóng lan ra các kho bên cạnh. Sau khi phát hiện ra sự cố, lãnh đạo công ty Len Hà Đông đã gọi điện cho cơ quan phòng cháy chữa cháy tới hiện trường.

Bảo hiểm Bảo Việt, sau khi nhận được thông tin đã cử cán bộ có mặt tại hiện trường, gặp người được bảo hiểm để hỗ trợ, nắm bắt thông tin kịp thời. Tại thời điểm cán bộ của Bảo hiểm Bảo Việt tiếp cận hiện trường thì cơ bản ngọn lửa đã được khống chế, chỉ còn lại những ngọn khói bốc lên, tuy nhiên hoạt động phun nước chữa cháy vẫn diễn ra nhằm khống chế nguy cơ bùng phát của ngọn lửa.

Theo đơn bảo hiểm thực tế Bảo hiểm Bảo Việt đã cấp (có thời hạn bảo hiểm từ 00:00 ngày 10/09/2013 đến 23:59 ngày 09/09/2014), Công ty cổ phần Len Hà Đông (người được bảo hiểm – NĐBH) đã tham gia bảo hiểm phần nhà xưởng giới hạn mức trách nhiệm là 21.052.500.000 VNĐ. Được biết tổ hợp kho số 1 - kho bị cháy được xây dựng từ năm 1987 và được nâng cấp trong các năm 2003 và 2011, NĐBH không tham gia điều khoản thay thế mới.

Bảo hiểm Bảo Việt cũng đang phối hợp cùng các cơ quan/bộ phận chức năng trong việc cập nhật thông tin mới nhất về vụ tổn thất này, đồng thời làm việc với NĐBH để thu thập hồ sơ phục vụ công tác giải quyết, chỉ trả bảo hiểm nhanh chóng, theo đúng quy định của pháp luật để giúp NĐBH nhanh chóng trở lại sản xuất, kinh doanh.

Bảo Hiểm Bảo Việt - tiếp tục đồng hành cùng Vietnam Airlines

Vừa qua, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt cùng với hai nhà đồng bảo hiểm khác là Công ty CP bảo hiểm hàng không (VNI) và Tổng Công ty CP bảo hiểm dầu khí (PVI) đã cùng ký hợp đồng hợp tác trong Chương trình bảo hiểm hàng không năm 2014 cho Vietnam Airlines.
Theo đó, Bảo hiểm Bảo Việt và hai đơn vị đồng bảo hiểm sẽ cung cấp các loại hình: Bảo hiểm "Mọi rủi ro" đối với thân máy bay; bảo hiểm Trách nhiệm; Bảo hiểm Tai nạn cá nhân cho cả đội bay, bảo hiểm Rủi ro chiến tranh với Thân máy bay, bảo hiểm Trách nhiệm vượt quá đối với rủi ro chiến tranh, không tặc… cho đội bay gần 90 chiếc máy bay của Vietnam Airlines trên phạm vi toàn thế giới với tổng giá trị bảo hiểm thỏa thuận cho toàn đội bay lên đến 4 tỷ USD.
Trong nhiều năm tới nay, Bảo hiểm Bảo Việt đã nhận bảo hiểm với vai trò là nhà bảo hiểm hoặc đồng bảo hiểm cho hầu hết các dịch vụ hàng không có mặt tại Việt Nam, từ bảo hiểm vệ tinh cho Vinasat 1 và 2 đến bảo hiểm cho các Hãng hàng không lớn nhỏ như Vietnam Airlines, VietJet, Jetstar, Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam, Tổng Công ty Cảng hàng không...